Hội Yêu Thú Cưng
5 ĐIỀU SEN CẦN PHẢI BIẾT ĐỂ NUÔI CHÓ CON AN TOÀN VÀ KHỎE MẠNH
Nuôi chó con giống như chăm sóc một đứa trẻ, cần sự kiên trì cùng với sự hiểu biết ở chủ nuôi. Có thể bạn cảm thấy nuôi chó con có quá nhiều thứ phải làm, bạn sẽ rất cực để nuôi chó con lớn lên đặc biệt là những Sen lần đầu nuôi chó con. Hãy xem các bí quyết giúp bạn nuôi chó con khoẻ mạnh, khoa học và đỡ “vất vả” hơn được Louis chia sẻ bên dưới nhé.
1. Dạy chó con quen với dây dẫn (dắt) từ bé
Các chú chó dù là chó con hay trưởng thành thì luôn có sự đam mê khám phá, chúng có thể nhanh chóng chạy đi mất, nguy cơ thất lạc, bị trộm, bị tấn công hay tấn công chó khác … rất cao. Chiếc dây xích (dây dẫn) là cách tốt nhất để bạn có thể kiểm soát được chú chó con của mình.
Chính vì thế, ngay từ khi là chú chó con, bạn phải tập cho chúng quen với dây xích, luôn đeo dây dắt chó bất cứ lúc nào đi ra ngoài, khi lớn lên sẽ không còn vấn đề phản kháng hay chống đối nữa. Dẫn chó ra ngoài có dây xích không chỉ đảm bảo an toàn cho chú chó của bạn mà còn thể hiện bạn là một người nuôi chó có trách nhiệm.
Lưu ý chọn vòng cổ và dây dắt chó phù hợp với chú chó của mình. Một số chú chó không thích hợp đeo dây xích thay vào đó hãy chọn áo nịt có dây dẫn sẽ tốt hơn. Hãy hỏi nhân viên ở các petshop để xem chú chó của bạn phù hợp với dân dắt loại nào nhé.
2. Xã hội hoá cho chó con
Xã hội hoá là nền tảng để hình thành tính cách ở một chú chó. Chó con cần được làm quen với nhiều người và các chú chó, mèo khác nhau để phát triển tính thân thiện và hòa đồng với thế giới xung quanh. Một chú chó có thể hung dữ, không thích người lạ, dễ dàng gây gấn với bất kỳ chú chó, mèo nào thường bắt nguồn từ việc thiếu xã hội hóa khi còn là một chú chó con.
Các cách để xã hội hóa đúng cách cho chó con như:
– Đưa chó con đến cửa hàng grooming để chú chó con của bạn làm quen với những người bạn khác.
– Sắp xếp ổ, đệm, chuồng của chó con ở nơi có thể dễ dàng quan sát mọi người đi lại, quen với sự xuất hiện của mọi người trong gia đình …
– Dắt chó con đi dạo bên ngoài để khám phá xung quanh và nhận biết nhiều người hơn.
Không khuyến khích chó con đi công viên dành cho chó vì chó con thường có hệ thống miễn dịch yếu dễ dàng bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với chó bệnh, ngoài ra có những chú chó có năng lượng cao và dễ làm cho chó con của bạn hoảng sợ, nhút nhác hơn.
3. Tập cho chó con quen với việc tắm, vệ sinh
Tắm rửa, cắt móng, đánh răng, vệ sinh tai, mắt, mũi … là công việc vệ sinh quan trọng bạn nên tập cho chú chó con của mình quen thuộc và hợp tác từ khi chúng còn là chó con khi lớn lên chúng sẽ dễ dàng chấp nhận nó như một phần bình thường của cuộc sống.
Tuy nhiên, ở những lần đầu, chú chó nào cũng sẽ phản kháng, bất hợp tác khi tắm rửa, vệ sinh, hãy sử dụng một ít treat để chúng ngoan ngoãn hơn. Ngoài ra, hãy nhẹ nhàng với chúng, đừng làm chó con hoảng sợ và có “ác cảm” với việc vệ sinh và đặc biệt không đánh đập, trừng phạt khi chúng không hợp tác.
Nếu bạn không biết phải làm thế nào để vệ sinh cho chó con thì hãy mang chúng đến cửa hàng grooming, nhân viên có kinh nghiệm hơn sẽ biết cách để vệ sinh cho chó con nhưng không làm chúng hoảng sợ.
4. Dạy dỗ, huấn luyện từ ngày đầu mới về
Đừng trì hoãn việc dạy dỗ, huấn luyện chó con, đừng nghĩ rằng, chúng cần thêm vài tháng để thông minh hay để quen với bạn, với gia đình hơn. Ngay khi chó con mới về nhà, hãy dạy dỗ, huấn luyện chúng. Việc dạy dỗ từ những ngày đầu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc thay đổi các quy tắc cho chú chó sau vài tuần sống chung với bạn.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý cường độ và cách huấn luyện. Đừng ép chú chó con thực hiện các mệnh lệnh của bạn ngay những ngày đầu, hãy nhẹ nhàng và kiên trì với chúng, vì đây là thời gian chúng vừa làm quen với bạn, với cuộc sống mới vừa học các mệnh lệnh mới nên sẽ có những lúc chúng phản kháng lại bạn. Sử dụng treat và những lời khen ngợi để giúp việc dạy dỗ dễ dàng hơn nhé.
5. Tiêm vắc-xin đúng định kỳ
Chó con nếu đón về từ các cửa hàng thú cưng, trại nhân giống thì nên là từ 2 tháng tuổi trở lên và đã được tiêm 2 mũi vắc-xin 5 bệnh và 7 bệnh. Nếu là chó con từ trại cứu hộ hoặc từ người quen thì bạn nên đưa chúng đến thú y để bác sĩ kiểm tra sức khoẻ tổng quát, tiêm vắc-xin và tư vấn sức khoẻ khi chăm sóc chó con.
Chó con dưới 9 tháng tuổi (đối với các giống chó nhỏ) và dưới 12 tháng (đối với các giống chó lớn) thì khả năng có thể bị mắc bệnh rất cao vì khi đó hệ thống miễn dịch của chúng còn chưa được hoàn thiện, tiêm văc-xin phòng bệnh là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh cho chó con của bạn.
Hãy tuân thủ theo đúng lịch tiêm vắc-xin ở năm đầu tiên của chó con. Ngoài ra, cần lưu ý cho chó con uống thuốc sổ giun hay thuốc phòng ký sinh trùng ngoài da theo định kỳ được bác sĩ thú y tư vấn.
Nuôi một chú chó con không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng chắc chắn là một trải nghiệm thú vị khi theo dõi sự phát triển từng ngày của chú chó con. Sự kiên nhẫn và thêm một chút tìm hiểu, nỗ lực sẽ giúp bạn biết cách chăm sóc chó con khoẻ mạnh, thông minh.