Hội Yêu Thú Cưng
MỘT SỐ MẸO CHĂM SÓC LÔNG CHO THÚ CƯNG ĐƠN GIẢN
Dưới đây là một số mẹo chăm sóc lông cho chó mà có lẽ bạn sẽ cần.
1. Chọn loại sữa tắm phù hợp để chăm sóc lông chó
Có lẽ bạn đã từng nhìn thấy những loại dầu gội đắt tiền dành cho thú cưng ở cửa hàng và tự hỏi: “Tại sao mình không tắm cho chó bằng chính loại mình đang dùng nhỉ?”. Nhưng bạn không nên làm như vậy vì sữa tắm của con người và của chó rất khác nhau.
Da của người và da của chó có cấu tạo không giống nhau. Da người có tính axit hơn da chó. Thêm vào đó, người có tuyến mồ hôi trên da nhưng chó lại không có. Do đó, một số loại dầu gội có độ pH quá thấp hoặc quá dao dành cho con người có thể làm chó bị kích ứng.
Nhưng có một điều đáng lưu ý hơn cả. Bạn biết đấy, da là cơ quan chính đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ hệ miễn dịch.
Nếu da bị khô, lớp dầu và những lớp trên cùng của da sẽ bị rách, do đó hàng rào tự nhiên chống nhiễm trùng của cơ thể sẽ bị tổn thương. Và khi các hệ thống phòng thủ này bị phá vỡ, da và toàn bộ cơ thể chó có thể bị nhiễm trùng (thường là do nấm men và vi khuẩn sống trên bề mặt da gây ra).
2. Chọn đúng loại lược chải khi chăm sóc lông chó
Hãy xem xét bộ lông của chó trước khi mua bất kỳ dụng cụ chải lông nào. Nếu bạn nuôi giống chó lông ngắn thì tốt nhất nên dùng bàn chải lông mềm. Bàn chải sẽ loại bỏ được lông chết hoặc da chết và điều hòa lượng dầu tự nhiên trong lông của chó.
Lông bàn chải mềm cũng sẽ phù hợp với những phần lông ở mặt dưới cơ thể chó ví dụ như bụng vì ở đó lông thưa, mỏng và thậm chí không lông.
Những loại bàn chải mềm này rất đa dạng về kích thước, cách cầm và lông bàn chải. Hãy chọn một chiếc bàn chải phù hợp với kích thước và bộ lông của chó đồng thời vừa vặn nằm trong tay bạn.
Bạn có biết, có rất nhiều kiểu bàn chải khác nhau cho các giống chó và các loại lông khác nhau không!
Những con chó có lông dày hơn thì cần được chải lông tỉ mỉ bằng những loại bàn chải đặc biệt hơn một chút. Đó là những chiếc bàn chải slicker hình chữ nhật với những sợi lông cứng và phần đầu lông đính những hạt tròn nhỏ bằng nhựa.
Những chiếc bàn chải này sẽ loại bỏ phần lông rụng và đánh bông lông cho chó. Sau đó bạn có thể dùng những loại bàn chải thông thường để điều hòa lượng dầu ở lông chó.
Một số loại bàn chải có hai mặt chứa cả bàn chải và lược nên rất tiện dụng. Vì thế có thể nói rằng chăm sóc lông chó phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc và độ dài của lông.
Những con chó lông dài thì cần được chải lông mỗi ngày, giống như tóc của con người. Tuy nhiên do lông chó dài nên rất dễ bị rối.
Vì vậy đầu tiên bạn sẽ dùng những chiếc lược gỡ rối lông để làm lông chó dễ chải hơn. Sau đó dùng bàn chải lông rụng và chải lông cho chó như bình thường.
3 .Xử lý vết bẩn bám trên lông chó
Lông chó có thể bị dính bùn đất do đi dưới trời mưa. Đầu tiên, bạn cần xem xét những khu vực chó thường xuyên lui tới mà dễ bị dính bẩn do thời tiết ẩm ướt. Hãy che những khu vực đó lại. Che bằng rơm sẽ hơi lộn xộn nhưng rơm ít tốn kém và có thể phân hủy sinh học.
Một giải pháp đắt tiền hơn trong việc chăm sóc lông chó nhưng dùng được vĩnh viễn là xây sân chơi riêng cho thú cưng. Bạn sẽ cần dùng loại thảm ngoài trời để rải ở sân. Những loại thảm này có lông cứng hoặc bằng cao su dùng để lấy bùn ra khỏi giày, ủng và cả chân chó nữa.
Tuy nhiên, chó vẫn bị dính một chút bùn đất trên lông và có thể dây ra nhà. Hãy dùng khăn lau bàn chân và bụng cho chó (có thể tắm cho chó sạch nếu cần).
Nếu bạn cho phép chó ngồi lên đồ nội thất, hãy dùng những loại bọc, đệm lót để dễ giặt giũ hơn, đặc biệt là trong mùa mưa. Nếu không bạn có thể chuẩn bị giường cho chó để chúng có thể chui vào đó khi thấy lạnh hoặc ẩm ướt. Để một chiếc khăn dày trên đầu giường chó có thể lau được hầu hết bụi bẩn.
4. Xử lý vệt nước mắt đối với chó lông trắng
Đôi khi trên mắt chó sẽ lưu lại tàn dư của những vệt nước mắt. Đó là khi một loại chất gọi là porphyrin (một loại sản phẩm phân hủy máu trong nước mắt) phản ứng với ánh sáng và bị oxy hóa.
Điều này làm vệt nước mắt đọng lại trên mắt chó có màu đỏ sẫm hoặc nâu mà dễ thấy nhất ở những con chó có bộ lông sáng màu. Tuy nhiên tình trạng này không quá nghiêm trọng và chỉ đơn giản làm chó kém đáng yêu hơn một chút thôi.
Có thể xử lý tình trạng này khi chăm sóc lông chó bằng cách cho cún cưng uống một số loại thuốc không kê đơn chứa tylosin.
Tuy nhiên bạn sẽ không thể biết được lượng kháng sinh chính xác trên bao bì và điều đó khá là quan ngại. Việc làm dụng kháng sinh gây ra tình trạng kháng thuốc nên uống kháng sinh nhiều không tốt cho cơ thể của chó.
Nếu chó nhà bạn bị dính vệt nước mắt thì chỉ cần lau nhẹ khu vực này mỗi ngày bằng nước ấm và khăn mềm thôi.
5. Cần làm gì để chó có bộ lông bóng mượt?
Cho dù bạn nuôi giống chó nào, lông chúng ngắn hay dài, màu sáng hay màu tối thì điều đầu tiên để nuôi dưỡng một làn da và bộ lông đẹp là chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Ngay cả những loại thức ăn được bán trên thị trường cũng không hoàn toàn làm từ những thành phần chất lượng cho sức khỏe của thú cưng vì vậy bạn nên cân nhắc. Nếu bạn đang tự chế biến thức ăn cho chó, bạn cần cân bằng hợp lý bốn nhóm dinh dưỡng là protein, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên nếu chó đang ăn uống cân bằng rồi thì vitamin và các chất bổ sung có thể làm chó thừa dinh dưỡng. Hãy trò chuyện với bác sĩ thú y để nhận được những khuyến nghị về chế độ ăn dành cho chó nhà bạn.
Hãy thường xuyên kiểm tra ký sinh trùng dưới lớp lông của chó. Những loại ký sinh trùng như ve, bọ chét sẽ làm cho lông chó bết dính, xỉn màu, làm trầy xước da và chưa kể chúng còn gây ra những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác.
Vì vậy bạn cần chăm sóc lông chó thường xuyên. Bạn cũng có thể dùng những loại thuốc xịt sau khi tắm khi lông chó vẫn còn ướt. Hầu hết các loại thuốc xịt này chứa silicone nên sẽ làm lông chó mượt hơn do đó sẽ dễ chải hơn.
Chăm sóc lông chó là việc bạn nên thực hiện 2 đến 3 lần/tuần để đảm bảo chó luôn trong tình trạng sạch sẽ. Lông đẹp sẽ giúp cho cún cưng đẹp hơn và còn giữ được sức khỏe, tránh cho cơ thể chó gặp những loại ký sinh trùng nguy hiểm. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về cách chăm sóc lông chó, đừng ngần ngại ibox cho Louis Fprr Pet để được tận tâm lắng nghe và giúp đỡ ạ!